logo
Bà Rịa - Vũng Tàu: Khẳng định tiềm năng - Nâng tầm hội nhập.
Gõ cửa ngày mới 12.1.2018: Làm du lịch là phải quảng bá
null        Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì vậy, tỉnh đặc biệt quan tâm các giải pháp phát triển ngành kinh tế này một cách xứng tầm. Một trong những giải pháp đó là quảng bá ưu thế vượt trội về du lịch trên địa bàn tỉnh.     Với du khách thì việc thông tin du lịch đòi hỏi phải cụ thể, kèm theo hình ảnh sát thực để họ có thể hình dung rõ ràng, nhanh chóng, thuận tiện nơi họ muốn đến, hoặc đang tìm kiếm nơi đến.    Thế nhưng, có một thực tế là: du lịch BR-VT vẫn chưa được thông tin, quảng bá rộng rãi, toàn diện, có hệ thống…    Theo Google, tỷ lệ người Việt sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm khách sạn là 48%. 42% người dùng di động Việt Nam thao tác tìm kiếm thông tin du lịch tại điểm đến và 37% người tìm hiểu về các chuyến bay… Đây là chia sẻ của đại diện Google trong hội thảo "Đón du khách từ cú nhấp chuột" được tổ chức mới đây tại tp.HCM.    Thông tin về du lịch ngày càng có sự hỗ trợ của công nghệ, để lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng; để tăng sức hút cho du lịch. Xem xét ở góc độ này, có thể thấy ngành du lịch BR-VT chưa có sự lan tỏa. Đơn giản vì quảng bá du lịch BRVT trên công nghệ truyền thông rất hạn chế.    Rõ ràng, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác quảng bá du lịch với  sự hỗ trợ của công nghệ rất manh mún. Sở Du lịch BR-VT có trang web sodl.baria-vungtau.gov.vn, với đủ các chuyên mục, như: Sự kiện – Lễ hội, Sản phẩm – Điểm đến…nhưng thông tin chủ yếu đăng lại các bài viết trên các báo, và hầu như chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị của ngành, chưa bám sát nhu cầu cần có của du khách về vùng đất, sản phẩm du lịch … Chưa kể các thông tin này khá cũ, rời rạc, thiếu tính cập nhật.    Thiếu nguồn thông tin, du khách buộc phải tìm kiếm thông tin về du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu qua các trang mạng xã hội như Facebook, Blog, trang cá nhân của các nhóm du lịch phượt…. Trong khi, đa phần những trang này đưa thông tin theo kiến thức và quan điểm riêng của người viết, do đó du khách khó có được thông tin chuẩn xác và đúng nghĩa là quảng bá-giới thiệu ưu thế vượt trội của du lịch BRVT.   Khách du lịch vẫn còn quá thiếu thông tin về du lịch BR-VT, nhất là những thông tin online tiện lợi và hữu ích. Thiết nghĩ, năm 2018 bên cạnh việc đầu tư xây dựng các sản phẩm, cơ sở hạ tầng du lịch, ngành du lịch BR-VT muốn cất cánh thì cần phải thiết lập nhanh chóng một kế hoạch thông tin, truyền thông bài bản, đa dạng hơn và ưu tiên phát triển quảng bá du lịch trên nền tảng di động.    Theo đại diện Google, bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào muốn thu hút khách tại châu Á - nơi mà di động là ưu tiên hàng đầu, nếu không có sự hiện diện trên nền tảng di động hoặc mang lại sự tiện lợi về tìm kiếm thông tin, đặt tour, mua vé... cho khách hàng, thì coi như doanh nghiệp đó đã nhường cơ hội cho đối thủ.    Xây dựng kênh thông tin online hấp dẫn, tiện lợi với việc truy cập từ di động, gồm các từ khóa hữu ích và đơn giản hóa bước đặt mua tour, vé... cùng với sử dụng ngôn ngữ gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh song song là tư vấn từ Google đối với các doanh nghiệp du lịch trong nước.   Hội An, Đà Nẵng là địa phương, có nhiều doanh nghiệp gặt hái nhiều kết quả  từ các trang thông tin online hấp dẫn. Sau khi đặt tour và dịch vụ ăn uống, du khách nhận ngay phản hồi từ phía bộ phận kinh doanh của các điểm du lịch qua điện thoại, qua mail. Và ngay lập tức thông tin cá nhân của du khách được nhân viên quản lý xin phép đưa vào danh sách “khách hàng tiềm năng” để “gửi thư mời vào dịp có chương trình mới, hay khi có chính sách ưu đãi”…     Cách làm này không mới, nhưng đã phần nào chứng tỏ được tính chuyên nghiệp của du lịch Đà Nẵng và Hội An trong chuỗi hệ thống các điểm đến của du lịch miền Trung. Đó cũng là một trong những lý do các nơi này thu hút lượng du khách đến đây ngày càng nhiều.    Và nếu BRVT làm được những điều này thì chắc chắn tương lai không xa, du lịch BRVT sẽ vươn lên tầm cao mới.
12-01-2018 17:00:00Sao chép link3
BÌNH LUẬN
Ngày mới